Chuyện pha chế: Hoa hồng và chông gai

Có một câu nói rất ý nghĩa và rất đúng: “Nghề chọn người, người không chọn được nghề”
 



Mình vốn có sở thích chơi trò bán sinh tố với những bộ máy xay sinh tố bằng nhựa thời 6 -7 tuổi. Khi lớn thêm một chút thì hay pha nước cam, nước chanh. Đặc biệt, mình hay pha cà phê cho gia đình vào mỗi buổi sáng.

Sau khi tốt nghiệp, mình có cơ hội trải nghiệm và bôn ba với nhiều nghề: thợ may, tiếp thị và nghề làm đẹp cho người, cho đời (chuyên viên makeup) trong khoảng thời gian gần 2 năm. Thời gian chưa dừng lại ở đó vì mình nhận ra hầu hết các nghề đều không phù hợp với mình.

Đến một ngày, mình được người cô giới thiệu về Highlands Coffee (HC). Lúc đó mình hoàn toàn không biết đó là gì và công việc sẽ như thế nào. Cũng bon chen như người khác, và khi nộp đơn vào công ty cũng không mong muốn gì, chỉ vì không muốn phụ lòng cô cũng như thử xem việc sẽ ra sao. Trải qua ba lần phỏng vấn và cuối cùng mình cũng được nhận vào làm, bắt đầu với vị trí phục vụ (hay còn gọi là server).

Mình háo hức về nhà thông báo cho mẹ biết và kể về HC là như thế nào. Mẹ không những không ủng hộ mà trái lại còn đòi từ mình. Mẹ cho rằng đó là quán cà phê “không lành mạnh” (một suy nghĩ phong kiến, lạc hậu của người mẹ từ thời chế độ cũ). Khi đó, mình cũng không muốn tiếp tục. Nhưng mình lại suy nghĩ và quyết định nói chuyện với mẹ một lần nữa. Lần này, mình đã dắt mẹ đến “tận mục sở thị” một quán cà phê HC ở Thương xá Tax, lầu 3. Khi nhìn vào mô hình quán và những người làm trong đó; từ đồng phục của nhân viên và đối tượng khách hàng của quán; mẹ mới dần dần thay đổi và chấp nhận cho mình theo làm với điều kiện là không làm phục vụ mà phải xin vào làm pha chế (lúc bấy giờ được gọi là bartender). Và mình đã khởi nghiệp pha chế từ đó, lúc ấy là 2004. Con đường đưa mình đến với nghề như đã được định sẵn, đầy gian nan và chông gai.

Những ngày đầu đi làm công việc hoàn toàn mới này, mình nhận thấy áp lực công việc rất kinh khủng vì moi thứ không như mình nghĩ; không chỉ là làm việc pha chế mà còn phải học bài, trả bài (công thức pha chế), với hơn cả trăm loại. Ôi thật không dễ chút nào! Tuy vậy, niềm yêu thích và đam mê từ đâu ùa về đã giúp mình tìm ra phương pháp nhớ một cách khoa học. Cuối cùng chỉ mất không đầy 2 tuần thì mọi trở ngại về công thức đều là “chuyện nhỏ”, mình thuộc tất cả đến nỗi người “captain bar” (bar trưởng) của mình cũng ngạc nhiên và sau này chị ấy phải nhờ mình trả bài lại những bạn mới vô làm.

Ở giai đoạn đầu của nghề, khi mọi thứ đang đi vào hoạt động thì mình lại phải đối mặt với một loại “bệnh nghề nghiệp”: do tính chất công việc pha chế nên mình bị nước và axit từ cam, chanh “ăn” tay, nhiều lúc máu rươm rướm trên đôi bàn tay. Nhiều khi vắt chanh, vắt cam là rát đến cả ruột (lúc bấy giờ hầu như chưa sử dụng găng tay như bây giờ). Hàng ngày với công việc pha chế mình đều phải chịu cảnh đôi bàn tay bị “ thương”, nhưng điều đó không làm mình nản chí.



Với sở thích xem tivi, mình vô tình biết về chương trình làm đẹp có tên “Mi’s Show” của hoa hậu đền Hùng Giáng Mi, do thấy hay nên mình đã áp dụng liền. Thật kỳ diệu! Chỉ bằng phương pháp chăm sóc da tay đơn giản từ chanh và đường kính, hai tuần sau đôi tay mình đã từ từ lành vết thương nhưng chưa được như lúc đầu, vì thế mình đã cố gắng áp dụng lâu dài để đôi tay được tốt hơn và lấy đó để làm “vốn” cho bản thân. Sau này mình cũng hay chia sẻ bí kíp cho các bạn mới vô làm.

Khoảng hơn một năm sau, công ty có chương trình huấn luyện nhân viên pha chế mới tại quán của hệ thống, mình được vinh dự là người đầu tiên nằm trong top 5 người có quyền được đào tạo nhân viên tại quán. Với những khó khăn đã qua cộng với niềm đam mê, mình đã “sản xuất” được thêm nhiều nhân viên pha chế kỳ cựu cho HC. Vốn có bản tính kỹ lưỡng về vệ sinh và nguyên tắc trong công việc (hay nói đùa là tự mình làm khó bản thân), mình đã được nằm trong danh sách nhân viên ưu tú của HC. Từ đó, khi hệ thống bắt đầu mở thêm quán mới hay “store” nào có phần vệ sinh kém, mình đều là người đầu tiên cố vấn, định hướng để sắp xếp đồ đạc trong phần lưu trữ kho.

“Mình làm được thì ai cũng làm được”

Năm 2008 đã đánh dấu bước ngoặc lớn trong công việc của mình. Cộng tác với HC là một lãnh đạo mới người Philippines. Cô đề ra nhiều chiến lược, trong đó có phần đào tạo đội ngũ huấn luyện, trực thuộc phòng huấn luyện và làm việc tại công ty mẹ, tất nhiên là làm giờ hành chính rồi. Sau thời gian quan sát, cô đã chọn mình và một người bạn đồng nghiệp là hai nhân viên ưu tú nhất, được đặt cách đi học thêm về nghiệp vụ huấn luyện và tiếp nhận chương trình huấn luyện của công ty trong thời gian một tháng; tiếp đó mình và người bạn này sẽ lên chương trình đào tạo (giáo án) cho việc huấn luyện nhân viên đầu vào. Một tháng trôi qua với nhiều điều mới lạ, từ việc viết chương trình dạy, làm đề kiểm tra cho nhân viên, rồi phải có thời gian thực hành cho chương trình; nhiều gian nan lắm nhưng vì yêu thích và đam mê truyền tải những điều mình biết cho các bạn mới nên dần dần mình cũng vượt qua được hết.

Mình còn nhớ hoài cái ngày đầu tiên đứng lớp với hơn 50 học viên mới, ôi sao mà run hà! Nhưng mình hiểu bản thân mình khi đó cần gì, chỉ cần thốt ra được một lời để nói là mình có thể dẫn dắt tất cả, thế là mình đã làm được. Và sau mỗi lần đứng lớp là mỗi lần mình được trau dồi thêm kinh nghiệm nơi “đấu trường”.

Sau mỗi lượt đào tạo được thêm nhiều nhân viên mới: rành rọt về nghề, am hiểu về hàng tồn đã mang lại cho mình thêm động lực trong việc đào tạo. Nhận thấy các bạn đã trưởng thành hơn trong công việc; ý chí và lòng nhiệt huyết của mình cũng tăng thêm.



Một năm sau đó (2009), lần đầu tiên Việt Nam kết hợp với Singapore để tổ chức hội chợ triển lãm F&H (Food and Hotel) lần 1 và cũng trong hội chợ này, mình đã đoạt giải “The Best Signature Drink” của Vietnam Barista Competition (VBC). Từ sau cuộc thi, mình trở nên tự tin và vững vàng hơn trong phần ứng xử cũng như việc truyền đạt kinh nghiệm đào tạo.

Mình tâm niệm rằng khi sáng tạo ra bất kỳ thức uống mới, hãy đặt bản thân mình vào vai trò của người làm, người đưa ứng dụng vào thực tế; do đó cần phải nhanh, đơn giản và quan trọng là phải ngon! Điển hình nhất cho những tiêu chí trên là các ứng dụng mình đã phát triển cho dòng Rich’s Syrup (Sirô Rich’s) mới của công ty, nhận được nhiều sự quan tâm từ những người yêu pha chế.





Theo mình, điều hạnh phúc nhất của một chuyên viên pha chế chính là thấy được khuôn mặt hạnh phúc của khách hàng khi thưởng thức những ly nước thơm ngon.

Nguyễn Thị Bích Thủy
Nhân viên kinh doanh kỹ thuật cấp cao của Rich’s

Các thông tin khác